image banner
Xã Vĩnh Quang tổ chức chào cờ trên đỉnh núi thiêng Khau Sầm

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Quang đã tổ chức chào cờ trên đỉnh núi thiêng Khau Sầm, thuộc xóm Bản Ngần, xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng, để bày tỏ lòng thành kính trước các anh hùng liệt sỹ đã không tiếc máu xương hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.  

anh tin bai

Nhân dân xã Vĩnh Quang tỏ chức chào cờ trên núii Khau Sầm

Việc tổ chức chào cờ tại đỉnh núi Khau Sầm mang nhiều ý nghĩa hơn, khi nơi đây còn là nơi nhân dân xây dựng Ngôi đền thờ nhân vật lịch sử, danh tướng Nùng Trí Cao (1025 - 1053), dân tộc Tày, nhân vật lịch sử có công trong sự nghiệp bảo vệ đất nước ở thời Lý (vua Lý Thái Tông thế kỷ XI). Đền Kỳ Sầm là một trong những ngôi đền được nhân dân xây dựng từ lâu và trải qua trùng tu, tôn tạo nhiều lần, có quy mô lớn vào bậc nhất trong các loại hình đền, chùa, miếu trên địa bàn tỉnh.

Về thân thế, cuộc đời và những đóng góp của Nùng Trí Cao, nhiều sử sách cũng như các nhà nghiên cứu đã cho biết:

Vào khoảng thế kỷ X, thế kỷ thứ XI, Cao Bằng đã là một "nước". Đầu tiên, chỉ là một thủ lĩnh bộ tộc không chịu thần phục triều đình phong kiến, để tự xác lập quyền tự trị của mình, sau đó xưng đế, xưng vương thực sự. Khoảng thời gian đó, vùng đất biên giới Việt - Trung do các thủ lĩnh bộ tộc nắm giữ. Các dòng họ có thế lực lớn, phải thân phục nhà Tống ở Trung Quốc, nhà Lý bên Việt Nam, nhưng dần dà họ đứng lên dựng cờ độc lập.

Tại Cao Bằng, lúc đó là châu Quảng Nguyên, có Nùng Tồn Phúc là một con người dũng lược. Mấy anh em ông cùng chiếm cứ các châu: Nùng Tồn Lộc (em ruột Nùng Tồn Phúc) cầm đầu châu Vạn Nhai, Đương Đạo (em vợ) cầm đầu châu Vũ Lặc. Nùng Tồn Phúc tìm cách thôn tính đất đai của các châu, tự lập thành vua đặt tên nước do mình thành lập là Trường Sinh quốc, tự xưng là Chiêu Thánh Hoàng đế, cho vợ là A Nùng làm Minh Đức Hoàng hậu, cho con trai trưởng là Nùng Trí Thông làm Nam Diễn Vương. Nùng Tôn Phúc đã cố tổ chức và xây dựng nước Trường Sinh cho có bề thế. Ông đã thiết lập thành trì, sắp đặt việc cai trị và đặc biệt là sửa sang giáp binh để có thể đương đầu với lực lượng bên ngoài.

Như vậy là lần thứ hai, sau nước Nam Cương, Cao Bằng trở thành một nước có tên là Trường Sinh. Tuy chưa phải là một quốc gia thật sự, nhưng Trường Sinh đã có hướng vươn lên nhất định. Nhưng Nùng Tồn Phúc không đứng được lâu. Vua nhà Lý cho quân đến đánh dẹp. Nùng Tồn Phúc không giữ nổi, phải bỏ chạy rồi bị bắt, cả gia đình bị giết. Chỉ có bà vợ A Nùng và người con thứ là Nùng Trí Cao trốn thoát đến ở nhờ nhà chú. Lớn lên Nùng Trí Cao dâng biểu về triều đình xin được dung thứ. Vua Lý chấp nhận cho Nùng Trí Cao làm quan đến chức Thái bảo và cho quản lý tất cả các châu Do Lôi, Tư Lang và các động Lôi Bình, An Hà… Có thể thấy rằng, thế lực Nùng Trí Cao lớn lắm, nên nhà Lý mới dành cho con của người phản loạn đã bị chém cái đặc ân như vậy. Nùng Trí Cao lại xin với nhà Lý đem quân đi đánh châu Ung của đất Tống và chiếm được cả châu An Đức.

Cùng cố địa vị vững vàng rồi, Nùng Trí Cao lại muốn theo con đường của cha. Đầu tiên ông đổi tên các châu thành nước Đại Lịch, rồi lại đổi tên thành nước Nam Thiên, xưng làm vua, lấy niên hiệu là Cảnh Thụy. Nùng Trí Cao là người có tài, giỏi bình pháp, cầm quân luôn luôn thắng lợi. Ông cho sắp xếp triều đình, đặt bộ máy liêu thuộc, luyện quân gọi là mười vạn hùng sư. Tiếp đó, ông từ châu Uất Lâm đi đánh phá trại Hòa Bình, chiếm luôn cả Ung Châu của Trung Quốc. Lần này, ông tự xưng là Nhân Hậu Hoàng đế, lấy quốc hiệu là Đại Nam (lần đầu tiên có quốc hiệu Đại Nam, mãi sau này - thể kỷ XIX vua Minh Mạng mới dùng tên Đại Nam thay cho Đại Việt). Ông đem quân đi đánh khắp nơi, vây hãm đến chín châu của Trung Quốc, nhưng vẫn giữ Cao Bằng làm nơi trung tâm, ông lấy nàng Thẩm, quê ở châu Thạch Lâm làm hoàng hậu. Nhiều tướng giỏi của nhà Tống đều bị đánh tan, thanh thế của ông rất lớn.

Vua Tống rất lo sợ, đã toan cầu viện nhà Lý. Một số quan lại nhà Tống cũng xin với triều đình, nên nhờ quân Đại Việt giúp, nhưng tướng Tống là Địch Thanh không đồng ý, sợ rằng quân Đại Việt lại nhân cơ hội ấy mà đánh Tống. Vua Tống cho Địch Thanh làm nguyên soái, đánh nhau với Nùng Trí Cao. Địch Thanh lập mẹo, nhân dò biết Nùng Trí Cao đang lập hội vui quân, không kịp đề phòng, nên Địch Thanh đã thắng. Bị thất thế, Nùng Trí Cao cho người về Thăng Long cầu cứu. Vua Lý cho đại tướng là Vũ Nhữ đem quân về cứu viện, nhưng chưa đến nơi thì Nùng Trí Cao đã bị thua, từ đó, phong trào Nùng Trí Cao bị dập tắt.

Nùng Trí Cao được nhân dân Cao Bằng kính mộ, ông được xem là một anh hùng dân tộc họ Nùng, tiêu biểu cho hùng khí đất Cao Bằng. Như vậy, Cao Bằng đã có một thời là đô thành của một nước, nước Đại Nam (chữ dùng của Nùng Trí Cao).

Hiện này, Cao Bằng cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước đang bước vào cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Thành phố Cao Bằng sẽ thành lập 3 phường mới, với 3 tên gọi mới gắn liền với tiến trình lịch sử cũng như văn hóa tập tục địa phương, góp phần tạo di sản văn hóa bền vững cho thế hệ sau và kỷ nguyên phát triển. Một trong đó là phường Nùng Trí Cao, được thành lập dựa trên sự sáp nhập của phường Sông Bằng với phường Ngọc Xuân và xã Vĩnh Quang.

Sau sáp nhập, Phường Nùng Trí Cao có diện tích tự nhiên là 29,31 km² (đạt 532,90 % so với quy định), quy mô dân số là 19.507 người (đạt 130,05 % so với quy định). Các ĐVHC cùng cấp liền kề: Phía Đông và Phía Bắc giáp xã Nguyễn Huệ; Phía Tây giáp xã Hòa An; Phía Nam giáp phường Tân Giang, phường Thục Phán. Phương án sắp xếp trên được cử tri đồng thuận cao khi được lấy ý kiến theo Luật định. Tỷ lệ cử tri nhất trí với phương án sáp nhập là 4.299/4.301 cử tri đại diện hộ gia đình, đạt tỷ lệ 99,95%.

Việc đặt tên phường Nùng Trí Cao có ý nghĩa rất lớn, nhằm tri ân danh nhân dân tộc, góp phần tôn vinh người con ưu tú của Cao Bằng, người anh hùng của dân tộc Tày – Nùng. Gắn liền với việc gìn giữ bản sắc văn hóa đa dạng trong lòng một đô thị đang phát triển nhanh, hiện đại. Đặc biệt, sau khi thành lập, phường sẽ là điểm nhấn văn hóa – lịch sử, giúp xây dựng hình ảnh Thành phố Cao Bằng vừa hiện đại vừa thấm đẫm truyền thống. Là nền tảng để phát triển các sản phẩm du lịch lịch sử – tâm linh – văn hóa cộng đồng, tạo sinh kế và giá trị kinh tế – xã hội bền vững. Vì vậy, việc lựa chọn tên “Nùng Trí Cao” không chỉ thể hiện sự tôn kính đối với một danh nhân lịch sử có công dựng nước, mà còn là sự kế thừa di sản tinh thần, khẳng định vai trò và bản sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển thành phố.

Long Huyền

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

TRUNG TÂM VĂN HÓA VÀ TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ CAO BẰNG 

Trụ sở: Số 032, phố Đàm Quang Trung, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
Điện thoại: 02063.854.007 - E mail: trungtamvhtt.tp@caobang.gov.vn